Phê duyệt quy hoạch phân khu B5 Khu vực đường Phù Đổng Thiên Vương – Mai Anh Đào – Vạn Hạnh – Mai Xuân Thưởng, phường 8, thành phố Đà Lạt, tỷ lệ 1/2000 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên đồ án quy hoạch: quy hoạch phân khu Khu vực đường Phù Đổng Thiên Vương – Mai Anh Đào – Vạn Hạnh – Mai Xuân Thưởng, phường 8, thành phố Đà Lạt.
2. Phạm vi quy hoạch Phân Khu B5 Đà Lạt
a) Vị trí: Phường 8, thành phố Đà Lạt.
b) Giới cận:
– Phía Bắc: giáp đường Mai Anh Đào.
– Phía Nam: giáp đường Vạn Hạnh và đường Mai Xuân Thưởng.
– Phía Đông: giáp khu quy hoạch Nguyên Tử Lực – Trần Đại Nghĩa.
– Phía Tây: giáp đường Phù Đổng Thiên Vương.
3. Diện tích quy hoạch: 116.000m2 (116,00 ha).
4. Quy mô dân số của khu quy hoạch: 5.800 người.
5. Các giải pháp kỹ thuật hạ tầng chủ yếu:
– Về san nền:
+ Yêu cầu khi thiết kế san lấp, phải hạn chế thấp nhất việc phá vỡ địa hình tự nhiên, không xâm hại đến môi trường, cảnh quan khu vực.
+ Đối với những vị trí đất thuộc khu quy hoạch xây dựng mới, nếu cần thiết phải san gạt cục bộ để tạo mặt bằng xây dựng thì cốt nền san gạt phải bám theo cốt tim đường hiện trạng hoặc cốt đường quy hoạch mới.
+ Trong quá trình triển khai quy hoạch chi tiết, thiết kế công trình phải triệt để tận dụng địa hình tự nhiên. Trường hợp phải san gạt địa hình thì chỉ được san gạt cục bộ tại từng vị trí đặt công trình, cân bằng diện tích đất đào đắp cho phù hợp.
– Về cấp điện và chiếu sáng công cộng:
+ Tổng công suất phụ tải điện tính toán 8.865,42 KVA.
+ Nguồn điện cấp cho khu vực quy hoạch là trạm 110/22KV – 40MVA Đà Lạt, được đấu nối rẽ nhánh với lưới điện trung thế 22KV hiện hữu đi dọc theo đường Phù Đổng Thiên Vương, Ngô Tất Tố, xây dựng mới tuyến cáp ngầm trung thế 22kV dọc theo đường Vạn Hạnh và Trần Quang Khải. Lưới điện trung thế 22KV xây dựng mới được thiết kế đi ngầm theo hành lang của các đường nội bộ trong khu quy hoạch, cấp điện đến các trạm biến áp cho từng khu vực.
+ Đường dây hạ thế 0,4 KV được thiết kế dọc theo hành lang các tuyến đường nội bộ, lấy điện từ các trạm biến áp đưa đến từng phụ tải tiêu thụ điện.
+ Tuyến dây chiếu sáng công cộng lấy điện từ trạm biến áp khu vực, đóng ngắt tự động theo thời gian. Chiếu sáng đường giao thông chính, đường dạo bộ trong dự án, công viên,… có độ sáng và hình thức thẩm mỹ phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn quy định.
+ Các trạm biến áp là loại trạm hợp bộ 22/0,4KV được lắp đặt ở từng cụm phụ tải với bán kính cấp điện tối đa là 400m để đảm bảo chất lượng cấp điện.
– Về cấp nước và phòng cháy chữa cháy:
+ Tổng lưu lượng dùng nước sinh hoạt theo tính toán là 1.387 m3/ngày đêm.
+ Hệ thống đường ống cấp nước được thiết kế, cải tạo hoặc lắp mới đi ngầm dọc theo các tuyến đường quy hoạch.
+ Bố trí các trụ chữa cháy dọc theo các trục đường giao thông theo đúng quy định hiện hành về phòng cháy chữa cháy.
– Về thoát nước:
+ Nước mưa và nước mặt: thu gom qua hệ thống mương cống chung của khu vực, dẫn về các hố ga lắng cục bộ và có lưới chắn rác trước khi thải trực tiếp ra suối tự nhiên hoặc ra hệ thống thu gom của thành phố hiện có trong khu quy hoạch.
+ Nước thải sinh hoạt từ các công trình trong khu quy hoạch được thu gom theo hệ thống thoát nước thải nối vào hệ thống thoát nước thải của khu quy hoạch đường Phù Đổng Thiên Vương – Vạn Hạnh – Mai Xuân Thưởng – Võ Trường Toản (Khu B7) trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom và thoát nước thải tập trung của thành phố Đà Lạt. Hệ thống thu gom nước thải của khu quy hoạch bao gồm các hố ga và các đường ống được xây dựng ngầm. Tổng lưu lượng nước thải sinh hoạt của khu quy hoạch 2.944 m3/ngày đêm.
– Vệ sinh môi trường:
+ Rác thải từ các khu chức năng phải được tổ chức phân loại, thu gom thường xuyên trong ngày, sau đó chuyển đến điểm tập kết tại từng khu vực đưa đi xử lý theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.
+ Chất lượng không khí, tiếng ồn, tài nguyên đất, nước mặt, nước ngầm phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành về vệ sinh môi trường trong quá trình thi công và hoàn thành đưa công trình trong khu quy hoạch vào hoạt động.
6. Các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường:
– Duy trì và phát triển tỷ lệ các loại đất theo đồ án quy hoạch được duyệt nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ không gian cảnh quan.
– Xây dựng công trình bám theo địa hình tự nhiên, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật; thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh trên các tuyến đường; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt, chất thải của sản xuất để xử lý đúng quy định.
– Hạn chế tối đa các tác động làm hạ mực nước ngầm, nước thải sinh hoạt và nước mưa được thu gom và xử lý theo các quy định hiện hành.
– Quy định cụ thể về tải trọng xe, điều kiện lưu thông đối với từng loại phương tiện và từng tuyến đường lưu thông để hạn chế ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
– Dành diện tích đất phù hợp để trồng cỏ, cây xanh, xây hồ chứa nước nhân tạo bên trong khu quy hoạch để duy trì nguồn nước dưới đất, đồng thời tạo cảnh quan môi trường thoáng mát, giảm ô nhiễm không khí.
7. Hạng mục ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện:
– Hạng mục ưu tiên:
+ Đầu tư hệ thống giao thông và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
+ Cải tạo suối và mương thoát nước trong khu vực quy hoạch.
+ Tiếp tục quản lý bảo vệ cây xanh và trồng thêm cây xanh đường phố theo quy định.
– Nguồn lực:
+ Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước địa phương;
+ Các nguồn viện trợ, đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước;
+ Thông qua cơ chế, chính sách thu hút đầu tư dự án; đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao…
+ Khai thác các quỹ đất, tài sản công, tài nguyên của địa phương và các nguồn lực khác để tạo vốn xây dựng hệ thống hạ tầng.
(Đính kèm bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 do Công ty TNHH Kiến trúc Lâm Đồng lập và Sở Xây dựng thẩm định tại văn bản số 189/SXD-QHKT ngày 30/9/2016).
8. Download Họa Đồ Quy Hoạch Phân Khu B5 Đà Lạt: Tại đây
Nguồn: Internet – Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.